.Bước tiến trong xây dựng xã hội học tập ở TTHTCĐ Mạo Khê

Thực hiện Chỉ thị 11, ngày 13-3-2007 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, 10 năm qua, Quảng Ninh đã có nhiều chính sách, cơ chế đặc thù để hệ thống giáo dục, đào tạo được phát triển về số lượng, đa dạng về loại hình. Nhờ đó, hệ thống trường lớp cơ bản đáp ứng yêu cầu học tập của mọi lứa tuổi, trình độ. Đặc biệt, tỉnh đã hoàn thành trước mục tiêu xoá hoàn toàn phòng học tạm, phòng tranh, tre, nứa, lá.

Bài đăng trên báo Quảng Ninh ngày 03/04/2017,

http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201704/thuc-hien-chi-thi-11-cua-bo-chinh-tri-buoc-tien-trong-xay-dung-xa-hoi-hoc-tap-2337384/

 

Lớp dạy thử nghiệm học liệu trung tâm học tập cộng đồng tỉnh Quảng Ninh tại Trung tâm học tập cộng đồng phường Mạo Khê (TX Đông Triều). Ảnh do Trung tâm học tập cộng đồng phường Mạo Khê cung cấp.
Lớp dạy thử nghiệm học liệu trung tâm học tập cộng đồng tỉnh Quảng Ninh tại Trung tâm học tập cộng đồng phường Mạo Khê (TX Đông Triều). Ảnh do Trung tâm học tập cộng đồng phường Mạo Khê cung cấp.

Có thể khẳng định, 10 năm qua, cụ thể hoá Chỉ thị 11, Sở GD-ĐT đã tham mưu cho tỉnh nhiều nghị quyết chuyên đề và chương trình hành động mang tính chiến lược về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Nổi bật phải kể đến: Nghị quyết số 01-NQ/TV, ngày 12-11-2010 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về xây dựng xã hội học tập trong thời kỳ CNH, HĐH giai đoạn 2010-2015, định hướng đến 2020; Quyết định 3111/QĐ-UBND, ngày 26-11-2012 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định danh hiệu "gia đình, dòng họ, khu dân cư hiếu học" trên địa bàn tỉnh. Hay như: Công văn số 5313/UBND-GD, ngày 24-9-2014 của UBND tỉnh về việc xoá mù chữ và chống tái mù chữ; Kế hoạch số 7541/KH-UBND, ngày 9-12-2015 của UBND tỉnh về việc thực hiện Đề án Phát triển đào tạo từ xa giai đoạn 2015-2020... Bà Vũ Liên Oanh, Giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết: "Việc thực hiện Chỉ thị 11 của Bộ Chính trị được tỉnh Quảng Ninh rất chú trọng, quan tâm. Chính vì thế, ngành Giáo dục với vai trò là đơn vị nòng cốt luôn đề cao công tác tham mưu với lãnh đạo tỉnh để đưa ra các quyết sách đúng, trúng, bám sát tình hình thực tế của tỉnh và các địa phương trong tỉnh".

Trên cơ sở đó, tỉnh Quảng Ninh đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đáng chú ý nhất, chính là sự nghiệp giáo dục, đào tạo trên địa bàn tỉnh đã được phát triển tương đối hoàn chỉnh, đa dạng cả ở hệ thống giáo dục chính quy và hệ thống giáo dục thường xuyên. Theo số liệu của Sở GD-ĐT, tỉnh hiện có 658 đơn vị trường học từ mầm non đến đại học. So với 10 năm trước, toàn tỉnh tăng 21 trường mầm non, 18 trường tiểu học, 13 trường THPT. Ngoài ra, tỉnh còn tăng 90% trung tâm tin học, ngoại ngữ tư thục và 100% trung tâm kỹ năng sống. Cùng với đó, hệ thống giáo dục thường xuyên cũng được phát triển nhanh chóng. Cụ thể, trước khi có Chỉ thị 11, toàn tỉnh chỉ có 7 trung tâm HN&GDTX với 161 cán bộ, giáo viên, nhân viên, đến nay, toàn tỉnh đã có 14 trung tâm, gồm 13 trung tâm GDNN&GDTX cấp huyện và Trung tâm HN&GDTX tỉnh. Về trung tâm học tập cộng đồng, đến tháng 6-2009, toàn tỉnh đã có 186/186 trung tâm ở các phường, xã, thị trấn, đã phát huy tác dụng tích cực, hiệu quả cho việc xây dựng xã hội học tập tới tận cơ sở. Năm 2017, toàn tỉnh có 489 cán bộ quản lý, giáo viên, 1.139 cộng tác viên, báo cáo viên (tăng 233 cán bộ quản lý, giáo viên và 580 cộng tác viên, báo cáo viên so với năm 2007). Theo đó, 10 năm qua, tại các trung tâm học tập cộng đồng đã thu hút trên 1 triệu lượt người học, với 12.374 lớp học. Không chỉ vậy, các loại hình giáo dục thường xuyên khác (như ngoại ngữ, tin học, kỹ năng sống) cũng đã được hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Tỷ lệ học sinh, sinh viên và người lao động tham gia học tập các chương trình giáo dục kỹ năng sống có xu hướng tăng. Hiện, toàn tỉnh đã có 70% học sinh, sinh viên được giáo dục kỹ năng sống (đạt chỉ tiêu).

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, bên cạnh những thành tích đã đạt được, việc thực hiện Chỉ thị 11 của Bộ Chính trị cũng còn một số tồn tại hạn chế. Trong đó, phải kể đến việc, mạng lưới trường chuyên biệt dành cho trẻ khuyết tật chậm được đầu tư và chưa phát triển thích đáng. Cơ sở vật chất, thiết bị tại hầu hết cơ sở phục vụ cho học tập thường xuyên trong tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu dạy và học, nhất là các trung tâm học tập cộng đồng. Hay như số cán bộ quản lý, giảng viên, nhà khoa học có trình độ cao, uy tín, có thể đảm nhiệm vai trò nòng cốt để xây dựng các cơ sở giáo dục, đào tạo chất lượng cao ở tỉnh chưa nhiều; vẫn còn hiện tượng mù chữ, tái mù chữ ở khu vực có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số và khu vực làng chài... Ông Ngô Văn Hợi, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết: "Nguyên nhân dẫn tới những hạn chế này có lẽ phải kể đến việc một bộ phận cán bộ, nhân dân chưa ý thức sâu sắc và đề cao đúng mức việc học tập suốt đời. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, quán triệt Chỉ thị về xây dựng xã hội học tập, khuyến học, khuyến tài ở một số địa phương chưa thực sự được coi trọng".

Lan Anh

 


No comments yet. Be the first.