Văn bản
  • Cử giáo viên biệt phái tới các Trung tâm Học tập cộng đồng Cách làm hiệu quả cần nhân rộng
  • «Trở về
Số hiệu: Báo Quảng Ninh
Ngày ban hành: 13/10/16
Cơ quan ban hành:
Trích yếu:

Bài đăng trên báo Quảng Ninh Thứ Bảy, 25/06/2016, 13:57 [GMT+7]

Năm 2012, toàn tỉnh duy nhất có TX Đông Triều thực hiện thí điểm việc biệt phái giáo viên tham gia vào hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ). Khi đó, cách làm này đã nhận được nhiều đánh giá tích cực và là cơ sở để các địa phương khác trong tỉnh nghiên cứu, rút kinh nghiệm và nhân rộng thực hiện. Sau 4 năm triển khai, đến nay toàn tỉnh có 7/14 huyện, thị xã, thành phố áp dụng cách làm này, góp phần quan trọng để tăng cường nguồn nhân lực cho hệ thống TTHTCĐ của tỉnh.

Để tìm hiểu sâu về cách làm này, chúng tôi tới TTHTCĐ xã Tình Húc, một trong 8 xã, thị trấn của huyện Bình Liêu đang có giáo viên tham gia trực tiếp vào các hoạt động của TTHTCĐ. Thầy giáo Nguyễn Ngọc Hải, Trường Tiểu học Tình Húc, hiện được ngành Giáo dục huyện cử biệt phái tại TTHTCĐ xã, chia sẻ: “Tôi được giao nhiệm vụ biệt phái từ năm 2013. Vừa giảng dạy ở trường vừa tham gia thực hiện các hoạt động của Trung tâm khiến công việc của tôi khá bận rộn. Tuy nhiên, tôi được giảm 50% số tiết dạy trên lớp so với các giáo viên khác, nên cũng bớt áp lực hơn, từ đó cố gắng, nỗ lực cao nhất để hoàn thành nhiệm vụ được giao”.

Thầy giáo Nguyễn Ngọc Hải (người ngồi), Trường Tiểu học Tình Húc đang làm việc tại Trung tâm Học tập cộng đồng xã Tình Húc (huyện Bình Liêu).
Thầy giáo Nguyễn Ngọc Hải (người ngồi), Trường Tiểu học Tình Húc đang làm việc tại Trung tâm Học tập cộng đồng xã Tình Húc (huyện Bình Liêu).

Từ khi được nhận nhiệm vụ biệt phái, thầy Nguyễn Ngọc Hải đã giúp TTHTCĐ xã Tình Húc hoạt động tích cực, hiệu quả hơn. Tại TTHTCĐ của xã, thầy Hải phải làm khá nhiều công việc, như: Xây dựng kế hoạch, tham mưu cho lãnh đạo Trung tâm mở các lớp học cho người dân; theo dõi, quản lý việc học tập của học viên, giảng dạy của giáo viên; tuyên truyền, vận động tới từng hộ dân để tham gia vào các lớp học, nhất là lớp xoá mù chữ; tổ chức kiểm tra, thống kê nhu cầu người học tại cộng đồng; rà soát học liệu cho TTHTCĐ… Theo ông La Tiến Hoa, Phó Chủ tịch UBND xã Tình Húc, Giám đốc TTHTCĐ của xã, từ khi thành lập TTHTCĐ, xã đã tổ chức được 8 lớp xoá mù chữ. Riêng hè năm 2016, xã tổ chức thêm 1 lớp dạy đàn tính và hát then cho 15 học sinh trong xã. Việc cử giáo viên biệt phái đã giúp cho Trung tâm hoạt động tốt, thuận lợi hơn, nhất là trong việc mở các lớp học cho người dân. Ông Đào Ngọc Anh, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Bình Liêu, cho biết thêm: “Toàn huyện có 8 giáo viên đang được giao nhiệm vụ biệt phái tại 8 TTHTCĐ. Để cán bộ, giáo viên biệt phái yên tâm công tác, Phòng GD-ĐT huyện thường xuyên tổ chức họp mặt để phổ biến các văn bản quy định nhiệm vụ, quyền hạn và quyền lợi của các giáo viên được biệt phái; đồng thời, tạo điều kiện để giáo viên biệt phái theo học các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ”.

Theo Sở GD-ĐT, toàn tỉnh hiện có 72 giáo viên đang được cử biệt phái tham gia vào các hoạt động của TTHTCĐ tại 7 địa phương: TX Đông Triều (21 giáo viên), huyện Vân Đồn (12 giáo viên), TP Uông Bí, huyện Hải Hà (cùng 11 giáo viên), Bình Liêu (8 giáo viên), Quảng Yên (7 giáo viên), Cô Tô (2 giáo viên). Bà Phạm Phương Dung, Phó Giám đốc TTHTCĐ phường Mạo Khê (TX Đông Triều), cho biết: “Trung tâm có thầy giáo Vũ Hằng Hải, Trường THCS Mạo Khê 2 được giao nhiệm vụ biệt phái từ năm 2012. Việc cử giáo viên biệt phái rõ ràng đã góp phần tăng cường nguồn nhân lực cho các TTHTCĐ. Thực tế, các giáo viên biệt phái được ngành Giáo dục chọn là những đối tượng có năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ, có khả năng tổ chức tốt. Trong khi đó, cán bộ, lãnh đạo Trung tâm đều kiêm nhiệm nhiều công việc, nên không thể có nhiều thời gian dành cho hoạt động của TTHTCĐ”.

Bà Phạm Thị Nhàn, Phó Phòng Giáo dục chuyên nghiệp và Giáo dục thường xuyên (Sở GD-ĐT), cho biết: Sau 4 năm triển khai, việc biệt phái giáo viên tham gia vào hoạt động của các TTHTCĐ đã góp phần mang lại hiệu quả trong việc đẩy mạnh hoạt động của các trung tâm, từ đó đóng góp tích cực vào công tác xây dựng xã hội học tập ở các địa phương trong toàn tỉnh.

Lan Anh